HÌNH ẢNH CBNV

Thông tin Y học

Các xét nghiệm giúp đánh giá khả năng đông máu, cầm máu

Đăng lúc: 16:28:15 21/09/2020 (GMT+7)

Xét nghiệm chức năng đông máu có vai trò quan trọng trong chẩn đoán, phát hiện và xử lý các rối loạn liên quan đến đông máu và cầm máu.

 20190724_131048_850721_xet-nghiem-mau.max-800x800.jpg

1. Vai trò của xét nghiệm chức năng đông - cầm máu

 

Xét nghiệm chức năng đông - cầm máu thường được chỉ định trong trường hợp bệnh nhân nhập viện cần tiến hành phẫu thuật hoặc cần phải cầm máu khẩn cấp khi bị chấn thương. Việc đọc kết quả xét nghiệm đông máu sẽ cho biết chính xác quá trình đông máu của người bệnh có đang hoạt động tốt hay không.

Bên cạnh thông tin thăm khám trên lâm sàng, tiền sử bệnh của bản thân và gia đình, thì kết quả từ các xét nghiệm đông - cầm máu cũng rất quan trọng trong việc chẩn đoán phát hiện những vấn đề bất thường về đông máu.

Nguyên lý của các xét nghiệm đông - cầm máu cơ bản dựa trên cơ chế của các giai đoạn trong quá trình đông - cầm máu, bao gồm: cầm máu kỳ đầu, đông máu huyết tương và tiêu sợi huyết. Hiện nay, việc thực hiện cácxét nghiệm đông máu đều có sự hỗ trợ của các thiết bị tự động với sự giám sát của bác sĩ chuyên môn.

Xét nghiệm đông - cầm máu giúp bác sĩ chẩn đoán nhanh, chính xác sự tiến triển, mức độ và loại rối loạn đông máu mà bệnh nhân đang mắc phải. Qua đó, bác sĩ nhanh chóng có đầy đủ cơ sở để tiến hành điều trị kịp thời, với phác đồ phù hợp nhất.

Xét nghiệm chức năng đông máu thường được chỉ định đối với các trường hợp:

  • Những đối tượng không dùng thuốc chống đông nhưng lại có triệu chứng của rối loạn chảy máu, tình trạng này có thể biểu hiện qua chảy máu cam, chảy máu nướu răng, xuất hiện vết bầm tím bất thường, xuất huyết kinh nguyệt nặng, thậm chí có máu trong phân hoặc trong nước tiểu, bị viêm khớp triệu chứng (chảy máu trong khớp) và giảm thị lực.
  • Bệnh nhân trước khi tiến hành phẫu thuật, nhằm đánh giá tình trạng đông máu, tránh biến chứng nguy hiểm trong quá trình can thiệp.
Quá trình đông máu
Cơ chế đông và cầm máu với sự tham gia của các thành phần đông máu

2. Những xét nghiệm thăm dò giai đoạn cầm máu ban đầu

 

2.1. Đếm số lượng tiểu cầu

Số lượng tiểu cầu trong máu tuần hoàn ở người bình thường trong khoảng 140 - 400 g/L.

2.2. Thời gian chảy máu

Thời gian chảy máu có thể được xác định theo hai phương pháp:

  • Phương pháp Duke: Với phương pháp này, thời gian chảy máu bình thường là từ 2 - 4 phút. Khi thời gian này vượt trên 6 phút thì được coi là kéo dài.
  • Phương pháp Ivy: nhạy hơn, với thời gian chảy máu tiêu chuẩn là 3 - 8 phút.

Thời gian chảy máu kéo dài xảy ra trong trường hợp giảm số lượng tiểu cầu hoặc rối loạn chức năng tiểu cầu, giảm yếu tố vWF, giảm fibrinogen hoặc trong bệnh lý thành mạch.

2.3. Nghiệm pháp co cục máu

Nghiệm pháp co cục máu là kỹ thuật được ứng dụng trong theo dõi hiện tượng co cục máu trong ống nghiệm ở 37oC. Thông thường, cục máu sẽ co hoàn toàn và tách khỏi thành ống nghiệm sau khoảng thời gian là 3 giờ.

Hiện tượng co cục máu không bình thường (không co hoặc co không hoàn toàn) xảy ra trong trường hợp bệnh nhân giảm số lượng hoặc có bất thường nào đó trong chức năng của tiểu cầu, bệnh nhân bị tăng fibrinogen máu, bệnh lý đa hồng cầu.

2.4. Nghiệm pháp dây thắt

Để thực hiện Nghiệm pháp dây thắt, bác sĩ sẽ dùng huyết áp kế để duy trì áp lực 90 - 100 mmHg ở một bên cánh tay trong 5 phút, sau đó đếm số nốt xuất huyết trên tay người bệnh.

Nghiệm pháp dây thắt dương tính khi có trên 5 nốt xuất huyết xuất hiện, thường xảy ra trong những trường hợp bệnh nhân giảm số lượng tiểu cầu, chức năng tiểu cầu bất thường, hoặc cấu trúc mạch máu bị thay đổi.

2.5. Ngưng tập tiểu cầu

Ngưng tập tiểu cầu là một kỹ thuật nhằm đánh giá chức năng tiểu cầu, được thực hiện trên máy đo ngưng kết tiểu cầu, với mẫu đo là huyết tương giàu tiểu cầu (sử dụng phương pháp đo quang hay đo trở kháng) hoặc máu toàn bộ (dùng phương pháp đo trở kháng). Kỹ thuật viên sẽ cho thêm vào mẫu xét nghiệm các chất kích thích kết tập tiểu cầu như ADP, collagen, thrombin, epinephrine, arachidonic acid, ristocetin... khiến cho tiểu cầu được hoạt hoá và ngưng tập với nhau.

Hiện tượng ngưng tập tiểu cầu bị thay đổi trong các bệnh lý rối loạn chức năng tiểu cầu bẩm sinh và mắc phải, chẳng hạn như ở những bệnh nhân mắc hội chứng Bernard Soulier hoặc von Willebrand, những bệnh nhân dùng aspirin...

2.6. Định lượng yếu tố vWF

Yếu tố vWF (von Willebrand) có thể được đánh giá dựa trên số lượng hoặc chất lượng, ứng dụng trong chẩn đoán bệnh Von Willebrand - một loại bệnh rối loạn cầm máu liên quan đến di truyền, dẫn đến thiếu gen tổng hợp vWF.

3. Các xét nghiệm đông máu cơ bản

Xét nghiệm đo thời gian Prothrombin
Thời gian Prothrombin kéo dài cho thấy sự thiếu hụt các yếu tố đông máu hoạt động theo con đường ngoại sinh

 

3.1. Xét nghiệm đo thời gian Prothrombin (PT - Prothrombin Time)

Khi xuất hiện vết thương, máu sẽ thoát ra khỏi lòng mạch và bị đông lại theo con đường đông máu ngoại sinh. Khi cho thừa một lượng thromboplastin và canxi vào máu được chống đông bằng citrat thì quá trình đông máu ngoại sinh được tăng cường. Đo thời gian từ khi bổ sung canxi và thromboplastin đến lúc máu đông lại hoàn toàn để đánh giá hoạt tính của các yếu tố đông máu tạo nên Prothrombin (bao gồm yếu tố II, V, VII, X, là các yếu tố đông máu theo con đường ngoại sinh).

Thời gian Prothrombin kéo dài cho thấy sự thiếu hụt các yếu tố đông máu hoạt động theo con đường ngoại sinh. Trong 4 yếu tố đã liệt kê thì 3 yếu tố II, VII, X được sản xuất tại gan và phụ thuộc vào hàm lượng vitamin K. Vì vậy bệnh nhân suy gan hoặc đang sử dụng thuốc kháng vitamin K thì thời gian Prothrombin sẽ kéo dài. Mức độ kéo dài bao nhiêu tùy thuộc vào nồng độ giảm đi của yếu tố đông máu và liều vitamin K đã dùng.

Do vậy, ngoài vai trò là xét nghiệm chức năng đông máu, PT còn được dùng để theo dõi bệnh nhân bị kháng vitamin K. Chỉ số điều trị có hiệu quả là khi PT đạt trong khoảng 25 - 30%.

3.2. Xét nghiệm thời gian Thromboplastin từng phần được hoạt hoá (aPTT - Activated Partial Thromboplastin Time)

Xét nghiệm aPTT đo chức năng hoạt tính đông máu của các yếu tố tham gia trong con đường đông máu nội sinh (yếu tố VIII, IX, XI, XII, II, X, fibrinogen...). Xét nghiệm aPTT được chỉ định trong các trường hợp:

  • Cần thăm dò các bệnh gây chảy máu: do thiếu hụt hay khiếm khuyết các yếu tố đông máu liên quan đến con đường nội sinh, hoặc để phát hiện các trường hợp ưa chảy máu (hemophilie) type A hay B, kể cả các thể nhẹ.
  • Làm bilan đông máu trước khi phẫu thuật.
  • Theo dõi tình trạng bệnh nhân khi điều trị bằng heparin.
  • Đánh giá mức độ nặng của bệnh lý về gan hay đông máu nội mạch lan tỏa.

Kết quả aPTT kéo dài cho biết tình trạng rối loạn liên quan đến quá trình đông máu nội sinh (giảm đông) do thiếu hụt yếu tố đông máu bẩm sinh (hemophilia), do yếu tố đông máu đã bị tiêu thụ (trong hội chứng đông máu nội mạch lan tỏa) hoặc do suy gan nặng, dẫn đến không tổng hợp được yếu tố đông máu. Ngoài ra, aPTT kéo dài cũng có thể xảy ra khi trong máu có chất ức chế đông máu nội sinh hoặc bệnh nhân đang điều trị bằng heparin.

3.3. Thời gian Thrombin (TT - Thrombin Time)

Thời gian Thrombin là xét nghiệm đông máu cơ bản đo thời gian đông máu khi cho thrombin vào huyết tương, nhằm đánh giá con đường đông máu chung và thăm dò tốc độ tạo thành fibrin. Thời gian Thrombin được chỉ định khi cần khảo sát con đường đông máu chung (cả nội sinh và ngoại sinh) hoặc để đánh giá số lượng và chất lượng của fibrinogen.

Thời gian Thrombin (TT) kéo dài là dấu hiệu bị thiếu fibrinogen, phân tử fibrinogen bất thường, do sự có mặt của heparin hay một số chất trung gian hóa học. TT còn kéo dài đối với các bệnh lý như xơ gan, vô niệu cấp tính, suy tủy, thiếu máu tan huyếtđa hồng cầu. Ngược lại, TT ngắn cho thấy tình trạng tăng đông do giảm hoặc không có các chất kháng thrombin.

3.4. Xét nghiệm định lượng Fibrinogen

Trong xét nghiệm này, huyết tương bệnh nhân được pha loãng ở các nồng độ khác nhau rồi cho thrombin vào, sau đó đối chiếu với đường cong chuẩn để xác định nồng độ fibrinogen. Định lượng Fibrinogen là xét nghiệm chức năng đông máu cơ bản được chỉ định trong trường hợp:

  • Cần xác định sự có mặt của viêm nhiễm;
  • Để thăm dò rối loạn đông máu khi bệnh nhân có biểu hiện chảy máu bất thường;
  • Làm bilan đông máu trước mổ;
  • Cần theo dõi tình trạng bệnh nhân trong quá trình điều trị tiêu fibrin;
  • Có thể ứng dụng để theo dõi bệnh gan tiến triển;

Nguồn :  https://www.vinmec.com/

Truy cập

Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
2525959

Ý kiến thăm dò

Bạn thấy hài lòng về giao diện website của phòng khám ?